Sốt xuất huyết có lây không?
Có rất nhiều người khi biết người thân, bạn bè bị mắc bệnh sốt xuất huyết thì e dè, sợ hãi khi phải lại gần. Họ sợ mình sẽ bị lây bệnh nếu tiếp xúc. Vậy, thực chất bệnh sốt xuất huyết có lây không? Các bạn hãy cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.
1. Sốt xuất huyết có lây không?
Sốt xuất huyết chỉ lây qua đường muỗi đốt và đó là loại muỗi vằn (muỗi Aedes). Khi con muỗi này đốt người bị bệnh và lại tiếp tục đốt vào người khỏe mạnh, thì bệnh sốt xuất huyết sẽ bị lây truyền.
Bệnh sốt xuất huyết tuyệt đối không lây truyền qua đường hô hấp, qua dịch tiết của cơ thể người bệnh hay qua tiếp xúc thông thường.
Hiện nay có bốn chủng virus sốt xuất huyết khác nhau. Điều đó có nghĩa, một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết bốn lần trong đời. Nếu bạn đã mắc sốt xuất huyết một lần, thì có nghĩa bạn mới chỉ bị một chủng virus sốt xuất huyết tấn công. Cơ thể bạn chỉ có thể tạo ra loại miễn dịch suốt đời với một loại virus đó.
Do vậy, khi đã bị sốt xuất huyết, bạn vẫn không nên chủ quan. Bạn vẫn có khả năng bị muỗi vằn Aedes đốt và lây truyền bệnh thêm lần nữa. Lần sau bệnh còn có thể bị nặng hơn lần trước.
Loại muỗi vằn này chỉ đốt vào ban ngày, nhất là lúc sáng sớm và khi chiều tối. Khi đốt người bị bệnh, virus sốt xuất huyết sẽ phát triển trong cơ thể muỗi bảy ngày, sau đó chuyển lên tuyến nước bọt. Muỗi đốt người khỏe mạnh sau thời gian này sẽ truyền bệnh rất nhanh chóng.
Con muỗi đã có virus sốt xuất huyết thì có thể truyền bệnh suốt đời. Do vậy, một con muỗi có thể truyền bệnh cho rất nhiều người.
2. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, không gì tốt và hiệu quả bằng việc tiêu diệt nguồn lây truyền bệnh, tức diệt muỗi Aedes. Đặc biệt lưu ý, trứng muỗi có thể tồn tại trong môi trường khô hạn tới hơn một năm, khi gặp mưa ẩm, nước đọng, vẫn có thể nở bọ gậy, loăng quoăng.
Tất cả các dụng cụ chứa đựng nước đều phải được đậy kín, không để cho muỗi có thể chui vào đẻ trứng. Đối với giếng hay các bể nước lớn, có thể thả cá vàng để loại bỏ loăng quoăng. Các dụng cụ chứa nước nhỏ cần được thay rửa mỗi ngày.
Thu gom, dọn dẹp xung quanh nơi sinh sống sạch sẽ, phát quang bụi rậm, nhặt vỏ chai, lọ, mảnh vỡ, ống bơ,…
Phòng muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay nếu thời tiết không quá nóng. Khi đi ngủ phải mắc màn (mùng). Nhất là với trẻ nhỏ, khi ngủ ban ngày càng phải có màn che cẩn thận.
Sử dụng các loại thuốc diệt muỗi, kem đuổi muỗi, hương muỗi, vợt điện,… để tiêu diệt, xua đuổi muỗi tức thì.
Đặc biệt chú ý, với những bệnh nhân sốt xuất huyết, cần cho nằm trong màn, không để muỗi đốt để tránh việc lây truyền sang người khác tạo thành dịch bệnh rất nguy hiểm.
Sốt xuất huyết là bệnh dễ điều trị khỏi, nhưng nếu chủ quan, người bệnh vẫn có thể bị biến chứng gây tử vong. Bệnh chỉ có một con đường lây duy nhất là bị muỗi vằn Aedes đốt. Do vậy, cần phải chú ý diệt muỗi, phòng muỗi đốt bằng những biện pháp phù hợp.
Được đóng lại.